Dừa sáp có mặt ở Giồng Cây Xanh, Trà Vinh khoảng những năm 1960. Có tài liệu khác cho rằng loại cây cho quả dừa sáp đã xuất hiện ở huyện Cầu Kè vào năm 1942 do một nhà sư người Khmer sang thăm Campuchia mang về làm giống. Do đột biến gene hoặc do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết mới ở vùng đất Cầu Kè đã khiến dừa cho trái sáp đặc biệt, trở thành một đặc sản chỉ riêng Trà Vinh mới có.
Từng làm nhân viên xuất nhập khẩu 8 năm liền cho công ty ở TP HCM, nhưng Nguyễn Văn Tùng quê ở Trà Vinh cảm thấy không có nhiều đam mê với công việc này, nên quyết định nghỉ việc để theo đuổi công việc kinh doanh riêng.
Năm 2016, Tùng bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường, tuy nhiên, mọi thứ không như chàng trai 8x này nghĩ vì dừa sáp nguồn cung ít, lại hay bị ảnh hưởng thời tiết nên giá cao, nhiều cửa hàng trái cây nhập về bán nhưng khá kén khách. Thời gian đầu Tùng chịu lỗ vài chục triệu đồng vì phải cho khách ký gửi hàng, khi nào bán được họ mới trả tiền, trong khi đó sản phẩm này chỉ bảo quản được 10-15 ngày nên để lâu dễ bị hư hỏng. Đặc biệt, nếu cửa hàng không bán được mà trả lại thì dừa để lâu cũng đành bỏ đi chứ không sử dụng được nữa.
“Thời điểm đầu khá khó khăn, một mình nhập hàng rồi giao hàng… tất cả mọi việc đều một tay mình làm nhưng không đâu ra đâu. Thế nhưng, tôi quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng và kiên trì theo đuổi sang đến tháng thứ 3 thì sản phẩm bắt đầu được khách hàng tiếp nhận và có lãi. Ngoài việc thu gom nguồn hàng bên ngoài thì gia đình tôi có khoảng gần 1ha dừa sáp nên việc tạo nguồn hàng dễ dàng hơn”, chàng trai 8x bộc bạch.
Một trái dừa Tùng bán ra với giá 250.000 đồng, thời gian đầu mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10 trái. Thấy sản lượng cung ứng ít, Tùng quyết định mở bán thêm tại các chợ phiên hay trên kênh online, đồng thời chế biến ra sản phẩm sinh tố dừa sáp bán trên kênh này với giá 30.000 đồng một ly. Nhờ kết hợp nhiều kênh, giờ đây mỗi ngày chàng trai này cung ứng ra thị trường 100 trái dừa sáp, thu về gần 25 triệu đồng mỗi ngày. Sau khi trừ chi phí mua hàng và lương nhân viên, Tùng lãi hơn triệu đồng một ngày. Sắp tới, để sản phẩm được biết đến rộng rãi Tùng sẽ tìm cách giới thiệu hàng ở siêu thị, đồng thời mở thêm cửa hàng riêng để quảng bá và bán sản phẩm.
“Sở dĩ dừa sáp có giá cao là vì chúng chỉ cho ra trái sáp trong 5 năm chứ không có thể thu hoạch được trên 30 năm như dừa thường. Điều đặc biệt là dừa sáp chỉ có thể trồng được ở huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh. Nếu đem đi nơi khác trồng sẽ không thể cho ra trái sáp. Thông thường một buồng dừa 12 quả, chỉ có khoảng 3-4 quả dừa sáp, thậm chí có khi không có quả sáp nào”, Tùng cho biết và kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm dừa sáp của quê hương được người dân từ nhiều vùng miền biết đến trong thời gian tới, đồng thời có thể xuất khẩu đi nước ngoài.
Chia sẻ về sự khác biệt của dừa sáp với dừa thường, Tùng cho biết, dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường; nước dừa đặc lại trong veo như sương sa. Loại này chỉ trồng được ở Cầu Kè (Trà Vinh). Dừa sáp có công dụng tốt cho sức khỏe, vì có tính mát cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét